0907 788 989
Số 11Đường Bàu Bàng,P.Phú Cường,Thành Phố Thủ Dầu Một,Tỉnh Bình Dương

Gạch không nung ở Việt Nam: Loay hoay tìm chỗ đứng.

25/01/2016

NDĐT- Vật liệu xây không nung (VLXKN) được xem là vật liệu xanh, thân thiện môi trường và được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, ngành xây dựng vẫn đang sử dụng 80% gạch nung truyền thống. Theo nhiều chuyên gia do thói quen của người tiêu dùng cũng như chúng ta thiếu một cơ chế, chính sách đồng bộ nên các doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này đang rất khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.

Sức tiêu thụ yếu

Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, để sản xuất một tỷ viên gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất, tương đương 75 ha đất (độ sâu khai thác là 2m), 150 nghìn tấn than, thải ra 0,57 triệu tấn CO2, gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. So với vật liệu nung, VLXKN ít phát thải khí độc hại, sử dụng ít nhiên liệu, phế thải được sử dụng làm nguyên liệu. Bên cạnh đó, những vật liệu nhẹ còn có khả năng cách âm, cách nhiệt.

Thực tế trong năm năm qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN. Việc triển khai dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, nhằm cắt giảm tỷ lệ tăng hằng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch, thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính là 383 nghìn tấn CO2 trong năm năm và đạt hơn 13 triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc. Ngoài ra, giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của người dân; giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngành xây dựng tại Việt Nam đang tăng trưởng trung bình 8%/ năm 2015, nhu cầu gạch xây dựng của Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng hiện ngành này vẫn đang sử dụng tới 80% gạch nung truyền thống. Đánh giá về tiêu thụ gạch xây không nung, ông Phạm Văn Bắc cho biết, trong khi gạch xi-măng cốt liệu tiêu thụ tốt thì vật liệu nhẹ tiêu thụ hết sức khó khăn, chỉ đạt khoảng 20 đến 30% công suất thiết kế, một số ít công ty sản xuất và tiêu thụ đạt 90 đến 95% công suất thiết kế như Công ty Tân Kỷ Nguyên và Vương Hải. Nhiều nhà máy dừng hẳn sản xuất hoặc gần như dừng do không thể tiêu thụ được.

Ông Nguyễn Quang Chung, Giám đốc Công ty CP Bê tông khí Viglacera cho rằng, khó khăn lớn nhất cản trở việc tiêu thụ gạch xây không nung là do tâm lý, thói quen “ăn chắc mặc bền” của người sử dụng. Hình dáng mẫu mã của sản phẩm còn chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm một số nhà máy chưa ổn định, trong khi giá thành còn cao. Thí dụ như so với gạch không nung thì gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) hiện có giá bán cao hơn từ 15 đến 25% khiến cho ít khách hàng chấp nhận mức giá này.

Vẫn vướng ở cơ chế

Mục tiêu của dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam nhằm từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng gạch không nung, đạt 25% vào năm 2015, 40% vào năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định để đạt được mục tiêu này không phải dễ dàng.

Ông Phạm Văn Bắc phân tích, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VLXKN chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh. Dù đã có định mức xây dựng nhưng Nhà nước chưa có chế tài cụ thể đối những loại công trình phải dùng vật liệu thân thiện môi trường. Do đó dẫn tới tình trạng các công trình áp dụng theo tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn các công trình vốn ngân sách Nhà nước hoặc các vùng nông thôn, hộ gia đình vẫn chưa sử dụng nhiều. Thực tế, mặc dù nhà nước đã quy định phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ cho các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên, nhưng nhiều chủ đầu tư chưa tuân thủ trong khi các cơ quan quản lý lại thiếu biện pháp chế tài.

Đặc biệt ở nhiều địa phương, việc triển khai chương trình còn chậm. Chuyên gia quốc tế của Quỹ Môi trường toàn cầu - ông Roland Wong cho rằng, vai trò của cấp địa phương trong phát triển gạch không nung là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên đất sét và than, chưa ý thức được việc phải giảm ô nhiễm môi trường khi sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung nên chưa có biện pháp thích hợp để tăng cường sử dụng, khuyến khích sản xuất gạch không nung.

Nhiều doanh nghiệp cũng “kêu khó” trước tình hình sử dụng VLXKN hiện nay. Các doanh nghiệp còn hoạt động đơn lẻ, dẫn đến tình trạng thị trường mất kiểm soát, “mạnh ai nấy làm” khiến cho thị trường phức tạp. Ông Nguyễn Quang Chung cho biết: “Hiện chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi cho sản xuất gạch không nung. Vì vậy, Nhà nước cần phải chung tay với doanh nghiệp giải quyết về vốn, lãi vay, thực hiện nghiêm tức việc sử dụng VLXKN trong các công trình vốn Nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm từ phía Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp thì mục tiêu của dự án đặt ra rất khó khăn”.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, để thực hiện mục tiêu của chương trình phát triển gạch không nung ở Việt Nam, đòi hỏi phải phá vỡ những rào cản về chính sách, thể chế, kiến thức, nhận thức, mở rộng thị trường, mở rộng và phát triển công nghệ sản xuất, đổi mới cơ chế tài chính. Việc giải quyết các biện pháp đồng bộ này cần nhiều nguồn lực và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức tư vấn kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, chuyên gia trong và ngoài nước.

* Vật liệu xây không nung là viên hoặc khối vật liệu sau khi được định hình không cần qua quá trình nung luyện mà có khả ăng tự động rắn, đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước… Ngoài ra còn có loại gạch không nung tự nhiên (gạch đá ong, gạch đất hóa đá…) thuần túy không sử dụng một tỷ lệ vật liệu nào qua nung.


Số người đang online:
8

Tổng số người truy cập trong tháng:
86897 người

Tổng số lượt truy cập:
1203540 người

Copyright ©: Gạch Toàn Thắng - Thiet ke website by Vuong Thanh Group